Thursday, December 8, 2011

Chương 10: Kiếp sống gian truân


Quảng Ngãi, miền Trung, quê hương tôi đất cày lên sỏi đá. Quanh năm người dân hứng chịu không biết bao thiên là tai bão lụt, hạn hán và mất mùa nhưng lúc nào cũng sẵn sàng chịu đựng. Nghèo đói tuy gắn liền với số phận của người dân quê, nhưng chúng tôi không bao giờ buông tay đầu hàng định mệnh, chính vì vậy mà người đời thường gọi chúng tôi là "dân cá rô cây". Cụm từ này vừa nói lên sự nghèo khó vừa diễn tả niềm tự hào của người dân đất Quảng.

"Ngày xưa ở Quảng Ngãi có một anh học trò nghèo nhưng hiếu học. Một hôm anh phải khăn gói hành trang như những học trò ở các tỉnh khác ra kinh đô học và chờ kỳ thi hương, vì quê anh không có thầy. Đời sống ở thị thành không giống miền quê nên học trò đến từ khắp nơi thường kết bạn với nhau để giúp đỡ trong việc học hành cũng như trong cảnh hoạn nạn. Anh học trò Quảng Ngãi cũng kết bạn với những người khác nhưng cứ đến mỗi bữa ăn, anh thường ra một góc sân ăn một mình. Anh ăn uống ngon lành, bữa nào cũng có rau luộc, mắm nêm hoặc nước mắm và món cá chiên. Bạn bè cho rằng anh ta ích kỷ, không muốn chia sẻ miếng ăn nên cũng xa lánh dần. Một hôm, muốn biết "người bạn đất Quảng" của mình ăn những thứ gì mà cứ giấu, một số anh em chia nhau đứng rình. Đúng là một "tên ích kỷ", bữa ăn nào cũng có rau và cá chiên trong khi có nhiều người khác ăn uống thiếu thốn hơn nhiều. Tức quá, đợi lúc anh kia đi học, một số bạn bè định vào phòng phá cho bỏ ghét. Sau khi lục soát, một người bất ngờ khám phá một con cá rô cây được đẽo gọt rất khéo giống con cá rô thiệt treo trên thành giường, từ đó mọi người mới thương cảm và quí mến anh bạn kia hơn. Vì nghĩ rằng các bạn bè kia đều là con nhà khá giả, anh bạn Quảng Ngãi kia không muốn tỏ ra thua thiệt nên phải giả bộ ăn uống đầy đủ như họ, nhưng vì sợ bị bắt gặp nên anh phải tìm cách ăn riêng".

Chưa phải hết, người ta còn mai mỉa "học trò xứ Quảng thấy cô gái Huế chân đi không đành". Đúng như vậy, học trò Quảng Ngãi tuy có siêng năng hơn học trò một số tỉnh khác nhưng vì mặc cảm nhà nghèo nên nhút nhát không dám tỏ tình với các cô gái đất Thần Kinh, cho nên mới có lời chọc đó. Thêm nữa cách phát âm của người Quảng Ngãi nếu không phải là người cùng địa phương thì rất khó hiểu. Ông tướng râu kẽm thời đệ nhị cộng hòa đã từng nhại tiếng miền quê tôi để làm trò cười cho thiên hạ: "Lèm en như con kẹt, hễ thấy mẹt là đòi tiền" ("làm ăn như con c..., hễ thấy mặt là đòi tiền", ý muốn nói dân Quảng Ngãi lười biếng không làm gì nên thân lại hay kỳ kèo từng xu từng cắc, con người nhỏ nhen chỉ nghĩ đến vật chất, v.v...).

Nghèo và khổ do đó luôn bị thiệt thòi, những gì xấu nhất đều trút xuống đầu người dân quê tôi. Nhưng dân Quảng Ngãi không phải như vậy. Vì không được thiên nhiên ưu đãi, miền đất này đã tạo cho người dân đức tính cần cù, kiên nhẫn hiếm thấy, chính vì đổ nhiều mồ hôi nước mắt đế có miếng ăn người dân Quảng Ngãi có một lòng yêu nước nồng nàn và một tình quê hương mặn mà. Quê hương tôi tuy không giàu đẹp nhưng nơi ấy đã sinh ra , đùm bọc và dưỡng nuôi tôi nên vóc nên hình, tôi yêu miền đất này như một người mẹ. Mẹ hiền Quảng Ngãi đã sản sinh biết bao người con, đã vui mừng khi thấy đàn con khôn lớn và đã khóc rất nhiều khi những đứa con lần lượt nằm xuống. Đất Quảng Ngãi tuy nghèo nhưng không thiếu gương anh dũng, biết bao người đã đáp lời sông núi, hy sinh tính mạng để bảo vệ quê hương xứ sở, trong đó có tôi. Nhiều người tham gia vào các phong trào đấu tranh chính trị, một số khác gia nhập vào các đơn vị võ trang và nhiều người nắm giữ vai trò then chốt trong các cấp chính quyền và quân đội, nhưng phần lớn còn lại chỉ muốn được hưởng một cuộc sống bình thường như mọi người khác.

* * *

Gia đình tôi ngụ tại xã Bình Giang, gồm cha mẹ và ba người con, một anh trai và hai chị gái, tôi là con út. Cha tôi gia nhập kháng chiến, chống Pháp tại Liên Khu V, chẳng may bị chết trong một trận càng quét tại vùng Ba Tơ, lúc tôi mới vừa 9 tuổi. Mẹ tôi sức yếu không nuôi nổi ba đứa con thơ, nên anh và hai chị phải bỏ học đi làm để nuôi tôi ăn học. Cuộc đời tưởng vậy đã yên, nào ngờ năm 1956 tôi thấy những người kháng chiến như cha tôi mất tích một thời gian (hình như tập kết ra Bắc) xuất hiện bí mật tại nhiều nơi, họ kêu gọi dân chúng đến tụ tập rồi lên án chế độ miền Nam. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu họ muốn nói gì, những buổi họp dưới ánh trăng là dịp để tôi cùng những bạn đồng lứa đi bắt dế để ngày hôm sau mang ra đá. Mỗi lần có buổi họp như thế, quân đội cộng hòa hôm sau vào thôn xóm lục soát, nhiều người bị bắt đưa về tỉnh lỵ. Năm 1958, nơi nơi chốn chốn rầm rộ nổi lên phong trào xây dựng ấp làng chiến lược, bầu bán chính quyền địa phương xã ấp. Phong trào tố cộng được phát động mạnh mẽ khắp nơi, trong đó có nơi tôi ở. Cùng năm ấy, anh cả tôi được bầu vào hội đồng xã Bình Giang.

Chiến tranh bắt đầu lan rộng khắp nơi, cạnh làng tôi xảy ra nhiều cuộc đụng độ võ trang, nhiều người bị chết và bị thương. Thôn xóm mất an ninh, nhiều gia đình dọn ra thành phố lánh nạn. Mẹ tôi không muốn đi vì còn ruộng đất, hơn nữa anh tôi làm trong hội đồng xã nên cả nhà quyết định ở lại. Công việc mua bán của mẹ tôi trở nên khó khăn vì những gia đình khá giả tản cư ra thành phố, đời sống có phần túng thiếu hơn xưa. Trong khi đó thanh niên thi nhau đầu quân vào các binh chủng hải lục không quân cùng các đơn vị địa phương để bảo vệ xóm làng, tránh cho đất nước rơi vào hiểm họa cộng sản.

Đậu xong bằng trung học đệ nhất cấp, tôi bỏ học vì lúc đó cũng vừa 18 tuổi. Tôi tình nguyện gia nhập vào binh chủng hải quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 6 tháng huấn luyện ở trường hạ sĩ quan hải quân Nha Trang, tôi lần lượt được điều về phục vụ ở các hải cảng Đà Nẵng, Nha Trang, Qui Nhơn, rồi Vũng Tàu, Côn Đảo. Lực lượng hải quân tham dự nhiều trận đánh phối hợp với các đơn vị bộ binh hành quân, pháo từ các chiến hạm giáng xuống đầu địch những đòn chí tử, gây nhiều thương vong cho địch quân. Chúng tôi vui say với các chiến thắng Bình Giã, Vũng Rô...

Năm 1963, khi đoàn tàu đang trên đường hành quân, tôi nhận được điện tín khẩn: anh cả tôi ở quê nhà bị cộng quân sát hại. Cầm bức điện tín trong tay, tôi ngỡ mình đang mơ. Tôi chỉ biết khóc thương cho người anh mà tôi yêu mến như một người cha. Tôi được đơn vị cho về phép bôn tang. Ngồi trên chiếc xe đò chở về nhà, tôi hồi tưởng lại khi cha tôi qua đời, anh cả là người cáng đáng, lo toan mọi việc trong gia đình. Bây giờ anh đã vĩnh viễn ra đi. Vừa vào đến cửa, nhìn di ảnh cùng bàn thờ của anh đặt giữa nhà, tôi đứng chết lặng người. Thế là anh đã mất thật rồi. Mỗi lần đứng trước linh vị anh tôi, Hoàng Anh Hùng, tôi không sao cầm được nước mắt. Anh mất đi để lại mẹ già, một vợ và ba con còn thơ dại. Thảm trạng này ai gây ra? Tôi nguyền rũa chiến tranh và quân cộng sản khát máu.

Chị dâu tôi kể lại. Một ngày như mọi ngày, anh Hùng thức dậy sớm, mở các cửa sổ cho sáng cửa sáng nhà. Thay đồ xong, anh dẫn xe đạp tiến ra sân mở cổng đi đến trụ sở xã làm việc. Thình lình từ bên đường một bóng đen nhảy ra chận xe anh lại, hai bóng khác nằm phục kích hai bên đường bắn xối xả vào người anh. Anh Hùng bị trúng đạn té xuống, bóng đen đứng ra chặn xe chạy thẳng tới xác anh chỉa súng trường vào đầu anh Hùng bắn thêm một tràng nữa rồi cả bọn cùng bỏ chạy. Anh Hùng bị bắn bể sọ, khuôn mặt biến dạng, thân hình thủng đầy lỗ đạn. Cả nhà nghe tiếng súng vội vàng chạy ra thì hỡi ơi, xác anh Hùng nằm trên vũng máu. Mẹ và chị dâu tôi mắng chửi quân sát nhân thậm tệ rồi ôm xác anh khóc rống. Một toán dân vệ hay tin từ xã chạy xuống thì đã quá muộn, anh tôi đã chết. Một vài dân làng cho biết đã nhận diện được những tên sát nhân và còn cho biết tên và nơi chúng ở, chúng là những thanh niên ở xóm trên, gần vùng núi.

Thật là buồn, người cùng quê với nhau không làm gì hại nhau mà nỡ tàn sát nhau dã man đến thế. Tôi biết những thằng này, lúc còn nhỏ có lần chúng cùng học chung trường với tôi ở trường tiểu học Bình Giang. Men cộng sản đã biến chúng thành khát máu, khát máu với đồng loại và người cùng quê với mình. Anh tôi có làm gì nên tội nên tình cho cam, anh chỉ làm nhiệm vụ an dân, suốt đời giúp đồng bào nghèo khổ, mở trường mở lớp cho con em trong vùng và đưa ánh sáng đèn điện về thắp miền quê, thế mà vẫn bị chúng ám sát.

Nhưng quân cộng sản vẫn chưa buông tha gia đình tôi. Vài ngày sau, vào lúc giữa khuya, có người gọi cửa. Tiếng chó sủa vang ngoài ngõ. Mẹ tôi chưa kịp hỏi ai thì hai kẻ lạ mặt đã nạy cửa xông thẳng vào nhà. Họ mặc áo quần màu đen, mặt mũi xương xẩu tái nhợt. Người trẻ tuổi cầm khẩu súng trường bá đỏ và người trung niên đeo khẩu súng ngắn ngang lưng quần. Cả hai cùng mang dép râu, mấy ngón chân cái lòi ra đen xì trông thật ghê tởm. Thôi đích thị là cộng sản rồi. Hai người kêu hết cả nhà ra trình diện, họ nói giọng Quảng. Người lớn tuổi tới hỏi giấy tờ của tôi rồi yêu cầu tôi mặc áo quần đi theo họ. Cả nhà cùng khóc. Không khí thật nặng nề. Tôi sợ run cả người, tôi có cảm giác đây là lần cuối cùng nhìn mặt những người thân, lòng không khỏi hối tiếc. Khi hai người lạ mặt dẫn tôi đi lần ra cửa, mẹ tôi chạy tới níu cánh tay tôi năn nỉ hai người kia tha mạng và xin lỗi đã nặng lời trước đó. Người đeo súng ngắn nói nhỏ với người cầm súng trường bá đỏ vài câu, sau đó quay lại nói với mẹ tôi:

- Bà hãy yên tâm, chúng tôi không làm hại ảnh đâu. Chúng tôi chỉ muốn hỏi ảnh vài điều mà thôi, xong rồi sẽ thả về nhà.

Cuộc bắt cóc diễn ra trong im lặng, hàng xóm chung quanh không ai hay biết. Tiếng chó cũng im dần. Tôi suy nghĩ miên man và "hơi yên tâm" khi nghe họ nói "chỉ hỏi vài điều mà thôi". Chắc đây chỉ là một cuộc bắt cóc cảnh cáo. Vừa ra khỏi nhà độ hơn mười thước, người trẻ tuổi bảo tôi đưa hai tay ra phía sau cho họ trói lại, người đeo súng ngắn giữ đầu sợi dây đi sau lưng tôi. Vì không kịp mang giày, tôi xỏ đại đôi dép cao su có quai nên đi vào rừng trong lúc tối đen thật là khó khăn, trợt té liên miên. Dọc đường hai người thay phiên hỏi tôi tới tấp, nào là ai ra lệnh về đây, có nhiệm vụ gì... Vừa hỏi vừa hăm dọa, nhưng tôi vẫn một mực khai tôi chỉ là một người lính hải quân tầm thường thôi, về đây chịu tang anh ngoài ra không có làm chi khác.

Suốt hai ngày đường, hai người tra khảo, khủng bố tinh thần tôi liên tục. Vừa đói, vừa mệt, hơn nữa hai tay bị trói, đôi dép cao su cũng đứt quai nên tôi phải đi chân đất; nhiều lúc đạp phải gai rừng đau điếng người mà vẫn phải cà nhắc bước tới. Những vết gai rừng chích vào lòng bàn chân dần dần làm độc, tôi đi hết nổi muốn xỉu nhiều lần. Cũng may đến một địa điểm giữa rừng, hai người dừng lại làm mật hiệu. Không đầy hai phút sau, một toán gồm ba người trung niên mặc quân phục màu xanh rừng đi ra, vẻ mặt hiền từ hơn, cho chúng tôi thức ăn và nước uống. Cả năm người chụm đầu lại nói rì rầm gì đó, một người đến cởi trói cho tôi ăn cơm nhưng cấm không được ra khỏi khu vực quá 5 thước.

Nhóm người mới mặt mũi hiền từ nói rặt giọng Bắc, hai người bắt cóc tôi là người Quảng. Vừa ăn xong, cả năm người ngồi quanh tôi hỏi về công việc của anh tôi, của tôi và của gia đình. Tôi nói không biết anh tôi làm việc gì, mẹ tôi chỉ biết buôn bán nuôi con cháu và tôi là lính hải quân tối ngày chỉ ở trên tàu. Lời qua tiếng lại nhiều lần, cuối cùng tôi hiểu là họ kết tội anh tôi làm chỉ điểm cho "ngụy quyền" và "đế quốc Mỹ" để tổ chức càng quét "cách mạng" trong chiến dịch "tố cộng", làm nhiều "cán bộ cơ sở" bị bắt. Họ thuyết giảng nào là "ơn Bác và ơn Đảng", nhất là "muốn thống nhất" đất nước sau "cuộc tổng tuyển cử" 1956, nhưng "tên bán nước Ngô Đình Diệm và bè lũ tay sai" đã phản bội, cản trở ý muốn của toàn dân nên họ có nhiệm vụ về đây "giải phóng dân tộc". Giải phóng cái gì? Anh tôi bị chúng giết, biết bao gia đình khác cũng lâm vào cảnh như gia đình tôi, vợ góa con côi.

Tôi còn nhớ rõ ngày đó là ngày 20 tháng 5 năm 1963 vì chúng vừa làm lễ sinh nhật Hồ Chí Minh ngày hôm trước. Sau ba ngày hỏi cung, họ cho tôi một đôi dép râu và một bộ đồ khác rồi đưa tôi vào Núi Rằng giam giữ. Đây là mật khu nổi tiếng có từ thời Pháp thuộc, có lần cha tôi nhắc tới địa danh này và lần đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông. Tôi nghĩ cuộc đời mình đến đây là chấm dứt, tôi chỉ buồn là chưa mang lại niềm vui nào cho mẹ già mà đành bỏ mạng tại chốn rừng sâu này, xác vô thừa nhận. Tội nghiệp mẹ tôi, vừa mất đứa con trai đầu lòng, giờ sắp mất thêm đứa con trai út. Vừa đi vừa miên man suy nghĩ, tôi nhìn quanh nhìn quất để nhớ đường về "lỡ" khi có dịp liền tìm cách thoát thân. Nhưng không, đây chỉ là một trạm giao liên giữa rừng, ban ngày không thấy ai canh gác nhưng tôi vẫn chưa dám trốn.

Tôi biết chung quanh có rất nhiều địa hào, họ ẩn núp đâu đó vì đây là mật khu nổi tiếng của Liên Khu V. Có hôm tôi cùng đoàn người vừa Bắc vừa Trung đi làm rẫy trên triền đồi, trồng lúa khô, bắp, đậu phọng và đậu xanh, những hôm khác tôi bị trói ngồi ở một gốc cây. Ban đêm tôi bị trói cả chân lẫn tay nhưng được cho một tấm mền để đắp, những hôm trời mưa thì mọi người cùng ngồi với nhau dưới một tấm bạt nhà binh. Có đêm một vài người ca hát những điệu hát miền Bắc. Những người miền Bắc có vẻ dễ chịu hơn người miền Trung, họ cười nói tự nhiên, cho phép tôi đi tiêu đi tiểu thoải mái, họ còn cho tôi áo quần và đôi dép râu để đi lại trong rừng trong khi những người cùng quê tỏ ra khe khắc. Kể cũng buồn, người cùng quê lại tàn ác hơn người dưng.

Hơn 6 tháng bị giam giữ, nói sao cho được nỗi khổ của một tù binh. Không đêm nào tôi không cầu nguyện cho tôi và gia đình được bình yên. Một đêm nọ, ba người đến trói hai tay ra phía sau rồi dắt đi. Hai người miền Trung và một người miền Bắc. Đến một đoạn đường họ bịt mắt tôi lại. Thôi rồi, chúng khai thác không được, định thủ tiêu tôi đây. Tôi định trong bụng rằng, nếu tình hình xấu lắm tôi sẽ liều mạng thôi. Tôi quyết không chịu chết hèn, ai cũng một lần chết, phải chết hùng cho đáng thân trai. Lòng đã quyết, tôi cảm thấy hơi yên tâm. Hơn nữa tôi quan sát rất kỹ đường đi nước bước, nếu có thoát thân còn biết tìm hướng Đông mà tiến xuống đồng bằng. Nhóm người này dẫn tôi đi quanh co trong rừng suốt hai ngày đêm. Đến một điểm nào đó vào lúc ban đêm, người miền Trung bảo tôi ngồi xuống dưới một gốc cây rồi đe dọa: "Ngồi đây nghỉ giây lát rồi đi tiếp. Phải im lặng nghe chưa, nhúc nhích là tụi tao bắn bỏ". Cả ba cùng bỏ đi. Tôi nghĩ chắc họ đang tìm chỗ ăn hoặc đi tiêu tiện gì đó nên ngồi im, hai mắt vẫn bị bịt kín và hai tay bị trói ngoặc ra sau.

Ngồi thật lâu nghe ngóng tình hình, tôi chỉ nghĩ kế thoát thân. Ngồi mỏi cả lưng, tê cả chân mà vẫn không nghe động tịnh gì của ba người kia. Chung quanh chỉ nghe tiếng côn trùng rả rích, sương đêm thấm hết vào người. Tôi cảm thấy lạnh, thỉnh thoảng hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Đói và lạnh, thân thể mỏi mệt, tôi ngủ thiếp đi một hồi và chỉ sực tỉnh khi nghe tiếng gà gáy sáng. A, thì ra tôi đang gần một xóm làng nào đó và trời đang sắp bình minh. Như vậy thì phải tìm cách thoát thân, tôi nghĩ như thế.

Lắng nghe động tịnh một hồi và biết chắc ba người cộng sản kia đã đi đâu mất. Tôi đánh liều từ từ lòn hai tay dưới đít rồi co hai đầu gối vào sát người đưa hai tay bị trói ra phía trước, gỡ khăn bịt mặt ra. Vừa mở từ từ đôi mắt để làm quen với ánh sáng, vừa lấy răng mở lần dây trói. Tháo dây trói xong tôi liền đứng dậy, co chân co tay, vặn mình cho giãn gân cốt rồi nhìn chung quanh. Ủa, đây chính là làng tôi đây mà. Tôi ngỡ như nằm trong mơ, cố dụi mắt nhìn kỹ. Đúng là làng tôi rồi. Bà con hàng xóm đã thức dậy, có nhà nhen lửa nấu cơm. Sau giây phút ngỡ ngàng, tôi đánh bạo tiến bước vào làng. Tôi vứt bỏ đôi dép râu, đi chân đất về nhà. Dọc đường gặp một vài người quen, tôi cúi đầu đi như chạy trốn. Tôi thấy mọi người đều đáng sợ. Những người bắt cóc tôi là dân Quảng Ngãi, ở làng trên. Tôi như "con chim bị tên, thấy cây cung nào cũng sợ", nghi ngờ mọi người.

Tờ mờ sáng hôm ấy, tôi về đến nhà. Nói sao được nỗi vui mừng của mẹ và ba chị tôi, hai chị ruột và một chị dâu. Sau phút trùng phùng cảm động và nghe tôi thuật lại nỗi cơ cực trong thời gian bị quân cộng sản bắt, cả nhà đều mừng rỡ, ai cũng đinh ninh tôi đã bị giết vì ngay đêm đó, mẹ và các chị tôi âm thầm chia nhau đi các nẻo, hỏi thăm và tìm thi thể tôi đem về chôn nhưng không thấy.

Khoảng gần trưa tôi đến cơ quan an ninh chính quyền xã Bình Giang trình diện. Thông cảm và hiểu rõ gia đình tôi, anh em trong xã thăm hỏi qua loa rồi cho tôi về nhà nghỉ ngơi và làm bản tường trình sự việc. Đến chiều tôi đã làm xong bản tường trình và đem lên xã nộp. Điều làm tôi không vui lòng là bộ tư lệnh hải quân ở Vũng Tàu gởi giấy tầm nã về đây, anh xã trưởng đã trả lời bằng văn thư cho bộ tư lệnh là tôi bị cộng sản bắt cóc ngày 16 tháng 5 năm 1963. Anh xã trưởng hỏi tôi muốn trở lại đơn vị cũ không, tôi trả lời muốn được ở nhà một thời gian và anh chỉ dặn là không nên rời khỏi xã coi chừng bị quân cảnh chận xét bắt lại vì tội trốn lính. Từ đó tôi không bị làm khó dễ gì, mặc dù vậy đêm nào tôi cũng thay đổi chỗ ngủ, lúc thì ngủ ngoài hiên, lúc thì nằm trong vườn, có lúc ngủ nhờ nhà hàng xóm.

Trong suốt thời gian nằm nhà, tôi cố để ý tìm cho ra nơi ở của ba người đã bắn anh tôi. Tôi được biết là chúng theo cộng sản từ năm 1960, hiện ở Sơn Tịnh, cách làng tôi khoảng 12 cây số về phía Tây, và lặng lẽ theo dõi hoạt động của chúng trong vùng. Nhưng tình hình chiến sự ngày một xấu đi, tại một số làng xa xôi ban đêm quân cộng sản về thu thuế và kêu gọi dân chúng nổi dậy rồi rút đi, sáng thì quân quốc gia vào tảo thanh. Tội nghiệp cho đám dân lành, cứ mỗi lần như thế một vài người bị hai bên bắt đi đâu không biết. Thôn xóm ngày một mất an ninh nhưng cả nhà tôi không muốn dời về thành phố. Tôi suốt ngày ra vườn cuốc đồng trồng rau khoai và phụ chuyện vặt vãnh trong nhà, mỗi tối vặn đài quân đội theo dõi tình hình và nghe nhạc. Thỉnh thoảng tôi dạy kèm các cháu nhỏ học hành, mẹ và các chị tôi vẫn ra chợ buôn bán. Không bao lâu sau tôi cưới vợ.

Giữa năm 1967, quân đội Mỹ hành quân ngang qua làng tôi và đóng đồn cạnh làng Sơn Tịnh, địa bàn hoạt động của cộng quân. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ngày đêm hành quân lùng sục nhưng quân cộng sản vẫn giữ một phần lớn đất đai trong địa bàn xã. Tiếng súng nổ khắp nơi, ngày nào cũng thấy cảnh đau thương, chết chóc. Biết bao thanh niên, trai tráng trong làng lần lượt ngã xuống, tiếng khóc than vang cùng khắp ngõ. Biết bao tổ phụ, quả phụ, đầu chích khăn tang, kẻ khóc thương con, người thương khóc chồng, con khóc cha. Ôi, chiến tranh sao cay nghiệt quá, tàn nhẫn quá, thương tâm quá. Thù nhà nợ nước cứ canh cánh bên lòng.

Ngày 1 tháng 6 năm 1968, tôi gia nhập nghĩa quân, trung đội 19 đóng tại đồn Bình Giang. Hành động này vừa có mục đích trả thù cho anh vừa giữ an ninh cho thôn xóm. Tôi nhiều lần vào sinh ra tử, đối mặt với kẻ thù nhưng vẫn không ngại gian lao nguy hiểm lăn vào cuộc bắn giết. Cuối năm 1968, trung đội tôi phối hợp với quân đội Hoa Kỳ hành quân đưa dân vào ấp, cô lập nguồn tiếp tế của cộng sản. Đây là một kế hoạch qui mô có tầm vóc chiến lược. Xã Bình Giang là một địa điểm trọng yếu vì đây là địa bàn hoạt động chính của quân cộng sản trong vùng nên sự phòng thủ rất chặt chẽ. Đơn vị tôi vừa hành quân tảo thanh quân địch, vừa vận động dân chúng tham gia chương trình di dân lập ấp.

Một hôm đang trên đường hành quân, tôi dẫm phải một trái mìn. Tiếng nổ khô khan làm tôi bất tỉnh. Nghe các đồng đội kể lại, tôi được bộ chỉ huy hành quân gọi trực thăng tức tốc đưa vào Tổng Y Viện Duy Tân cấp cứu. Khi tỉnh dậy thì hỡi ơi, chân trái của tôi đã bị cưa tới đầu gối, thân hình bị băng bó, thương tích khắp người. Thật là tức tối, ý nguyện chưa thành thân hình đã bị tàn phế. Còn trả thù cái gì nữa đây với tấm thân què cụt này, cuộc sống của tôi trở nên vô vị. Ròng rã một năm trời điều trị, tôi được quân y viện cho về với gia đình. Thật là buồn tủi, làm gì với một hình hài không còn nguyên vẹn, tôi đành phải sống nhờ vào đồng lương trợ cấp.

* * *

Nỗi đau tưởng đâu đến đây là hết, nhưng không. Tại họa lại giáng xuống nhà tôi một lần nữa.

Năm 1970, chị dâu tôi ra chợ buôn bán như thường nhật thì bị một tên du kích cộng sản bắn một phát sau lưng. Chị chết liền tại chỗ, viên đạn xuyên qua tim, phá banh lồng ngực, máu đỏ thấm cả một khoảng đường. Xác chị sau đó được đem về nhà tẩm liệm. Mẹ tôi lại khóc hết cả nước mắt, từ ngày anh Hùng mất đến nay, bà xem chị như là con gái cả trong nhà. Chị một lòng hiếu thảo với mẹ chồng và thương yêu các em chồng như ruột thịt. Nhìn thi thể chị dâu cùng ba đứa nhỏ vô tội, cả cha lẫn mẹ đều bị cộng sản sát hại, tim tôi se lại. Sau khi tống táng xong chị dâu, tôi lãnh nhận nuôi dưỡng ba đứa cháu với đồng lương trợ cấp ít oi. Vợ tôi thay chị dâu tần tảo buôn bán phụ giúp gia đình, tôi hành nghề hớt tóc tại gia để có thêm lợi tức vì lúc này trách nhiệm chăm sóc mẹ già, hai con và ba cháu nhỏ đối với vợ chồng là một gánh nặng vật chất.

Chiến cuộc ngày càng lan rộng, khói lửa lan tràn khắp mọi miền đất nước, cộng quân pháo kích vào thôn xóm tôi liên tục, gây chết chóc cho đàn bà trẻ em và ông già bà cả. Ơ? những vùng đồi núi phía xa, cộng quân lấn chiếm phần lớn đất đai và dân số, quân đội Việt Nam Cộng Hòa lâm vào thế thủ. Thế giới đâu thấy được dã tâm của quân cộng sản, chúng muốn nhuộm đỏ cả quê hương này. Các tướng lãnh quân đội của nền đệ nhị cộng hòa chỉ huênh hoang, khoác lác trên các phương tiên truyền thông và truyền hình là chiến thắng cộng sản, nhưng thật ra các cuộc hành quân phe ta đều bị đối phương biết trước và bẽ gãy. Các cuộc hành quân qui mô tiêu diệt địch quân tại Hạ Lào, Lam Sơn 719, Dakto đều thất bại, thi thể các chiến binh thi nhau nằm xuống, đâu đâu cũng thấy chết chóc và thất bại. Từng mảng đất nước lần lần rơi vào tay cộng sản, tôi thấy nao nao trong dạ.

Việc gì phải đến đã đến. Ngày 20-4-1975, Quảng Ngãi thất thủ, gia đình tôi khăn gói theo đoàn người chạy vào Nam lánh nạn. Dọc quốc lộ 1, xác xe và xác người nằm phơi đầy đường, nhà cửa cháy nát tan hoang. Tâm trạng của người chạy loạn thật là hoang mang. Xa làng mạc thân yêu, nương náu xứ lạ quê người, cuộc sống rồi đây sẽ ra sao? Thật không hiểm họa nào bằng hiểm họa cộng sản, chỉ nghe hai tiếng "cộng sản" là mọi người đều bỏ chạy.

Vào đến Sài Gòn cảnh hỗn loạn càng thấy rõ hơn. Dân các tỉnh và thành phố bị cộng sản chiếm đóng, đều đổ xô vào Sài Gòn, không cảnh hỗn loạn nào hơn. Kẻ khóc cha, người khóc chồng, đâu đâu cũng nhuộm màu tang tóc. Tinh thần người lính Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ xuống đến mức chỉ trông chờ rã hàng. Các cửa ngõ vào Sài Gòn đều có quân đội trú đóng nhưng không ai còn tinh thần chiến đấu nữa vì các tướng lãnh đang thu xếp hành trang chuồn ra nước ngoài. Trước tình hình này làm sao không đổ vỡ? Bình Tuy, Long Khánh lần lượt thất thủ, những nơi khác đỗ nhào như những con cờ domino. Rồi đến phiên Sài Gòn.

Ngày 30-4-1975 quân cộng sản tiến vào Dinh Độc Lập, biểu tượng của uy quyền miền Nam. Biểu tượng mà có lần tôi cùng những chiến hữu khác đã đổ máu, hy sinh cả tính mạng để bảo vệ nó. Bây giờ là kẻ chiến bại, còn gì nhục nhã hơn. Nhìn cán binh cộng sản nghễu nghễnh đi trên đường phố, cờ đỏ cùng biểu ngữ trương ra khắp nơi, lòng tôi đau xót. Tôi bỏ qua hết những oán hờn đối với những vị lãnh đạo miền Nam cũ, họ có lý do để ra đi. Tôi thấm thía nỗi hân hoan của người lính trong đoàn quân chiến thắng và thông cảm nỗi đau một người tướng trong đội quân rã hàng.

Trên đời này không có gì tuyệt đối cả. Nay còn mai mất, có cái gì vĩnh cửu đâu. Những gì thân yêu nhất còn mất huống chi những phù phiếm bề ngoài. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tôi vẫn lo âu cho cuộc sống mới. Với tấm thân tàn tật, tôi còn làm được gì cho một gia đình đông con, đông cháu khi mất nguồn trợ cấp phế binh? Chúng tôi sống chật vật trong một căn nhà thuê ở Thủ Đức. Một thời gian sau chính quyền cộng sản ra lệnh cho những người không có sổ gia đình (hộ khẩu) ở Sài Gòn phải trở về quê quán cũ, tôi cùng gia đình khăn gói trở về Quảng Ngãi.

Đoạn đường ra đi chống chọi với cảnh chết chóc và nạn cướp bóc, đoạn đường trở về chống đỡ với nỗi lo âu và một tương lai mù mịt. Đoạn đường nào cũng đầy khổ ải. Căn nhà thân yêu của cha mẹ tôi đã bị du kích địa phương dọn sạch và niêm phong với tờ giấy dán trước cửa: "nhà vắng chủ". Cả nhà phải về nương tựa bên gia đình vợ. Ở chưa nóng chỗ thì tôi bị kêu đi tập trung cải tạo ở trại Bình Khương, bất kể tật nguyền. Chính quyền cộng sản địa phương xếp gia đình tôi vào thành phần "phản cách mạng" nguy hiểm. Họ nói anh tôi làm việc cho CIA, chị dâu tôi làm gián điệp cho "ngụy quyền" trong chiến dịch Phượng Hoàng, còn tôi là "lính ngụy ác ôn có nhiều nợ máu". Thật là tức, chính họ đã giết anh chị tôi, đầy đọa gia đình tôi, bây giờ còn kết tội cả chính tôi. Những người "đồng hương" cộng sản này thật không có tình người, đều là quen biết cả mà chỉ vì một chủ nghĩa ngoại lai đã biến thành thú dữ. Không hiểu khi hành hạ người khác, họ được niềm vui nào, nhất là người đó bị tàn tật và mất hết tất cả.

Sau ba tháng bị giam trong trại Bình Khương, họ cho tôi về nhà cải tạo tại chỗ vì thân thể tàn tật không có ích gì trong lao động. Về đến nơi thì hỡi ơi, người ta cho biết là cả gia đình tôi gồm mẹ, vợ và các con cháu, đã bị đưa lên vùng kinh tế mới Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tôi xin trở về nhà cũ nhưng không được đành phải về ở tạm nhà cha mẹ vợ. Tôi bị chính quyền xã Bình Giang quản chế một năm, không cho rời khỏi địa phương. Buồn cho thân phận, tôi đi hớt tóc dạo kiếm tiền độ nhật. Khi dò tìm ra tông tích và liên lạc được với gia đình, năm 1977 khi vừa hết hạn quản chế tôi liền đón xe lên Bảo Lộc đưa cả gia đình về Phan Thiết. Ròng rã hơn bảy năm trời lao động nhọc nhằn, và nhờ ơn trên phù hộ, gia đình tôi vẫn được an bình mặc cho cái đói, cái nghèo bám chặt trên lưng.

Đến năm 1985, cả nhà dọn về Vũng Tàu, ở gần Long Hải. Nói sao cho hết nỗi cực lúc này, một gia đình gồm chín miệng ăn, vừa lo xong buổi sáng đã nghĩ tới buổi chiều, biết bao lận đận, thiếu trước hụt sau. Tuy vậy chúng tôi vẫn kiên trì làm lụng, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, không có thì nhịn, không ai kêu van lời nào. Tôi dựng được một mái hiên trước nhà để hành nghề hớt tóc, vợ tôi sáng sáng gánh khoai ra chợ bán. Mẹ già lúc này mắt kém, ở nhà giữ đàn cháu thất học, đứa nào cũng phải mua bán ngoài chợ hay đi lượm rác để phụ với vợ tôi. Căn nhà tranh vách đất trống trước trống sau, mái nhà mục nát nắng dọi mưa dột. Mỗi khi trời mưa cả nhà ướt sũng nước không có chỗ ngồi.

* * *

Nhưng định mệnh không dừng lại ở đó. Kẻ xấu muốn lập công, đặt điều vu khống tôi là thành phần nguy hiểm trốn tập trung cải tạo, dời chỗ ở sau 30-4-1975, không trình diện. Kẻ đó không ai xa lạ chính là một người cùng quê, tìm cách tâng công lấy điểm với chế độ vì làm ăn gian dối, tổ chức vượt biên cuội gạt người thành phố lấy tiền. Hắn còn về tận quê tôi mang hồ sơ vào. Thế là tôi bị công an mời lên mời xuống liên tục. Hết công an phường đến công an tỉnh mời tới mời lui, hỏi cung ròng rã suốt hai tuần lễ. Không đi trình diện thì sợ bị kết tội nặng, nhưng nhà nghèo quá lấy tiền đâu đi xe ra thị xã trình diện, tôi phải bán những áo quần, đồ đạc nào còn tốt để làm lộ phí. Tiếc nhất là cái radio, tài sản duy nhất có giá trị trong nhà mà tôi thường dùng để nghe tin tức và nhạc của đài quân đội trước kia, cũng đội mũ ra đi. Bà con hàng xóm đều xa lánh vì sợ liên lụy, người lớn cũng không dám đến nhà tôi hớt tóc. Tôi phải đi hớt tóc dạo ở xa. "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay", khổ nhục lắm. Được cái may là cả gia đình thương yêu, đùm bọc và luôn luôn an ủi nên tôi tiếp tục đứng sửng giữa trời, mặc dù cho gió đời vùi dập tấm thân què cụt.

Số phận tưởng đã an bài, nào ngờ chế độ cộng sản vẫn chưa chịu để cho tôi yên. Ngày 5-4-1992, công an tỉnh Vũng Tàu phối hợp với phòng phản gián PC16 từ Sài Gòn về bắt tôi giam suốt ba năm liền vì đã vi phạm điều 157 bộ Luật Hình Sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân". Thật là vô lý, tôi có lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ai đâu. Nhờ có biết chút đỉnh tiếng Anh lúc còn giao thiệp với quân đội Mỹ ở Quảng Ngãi, tôi có viết thư giùm một số anh em thương phế binh trong vùng gởi đơn qua tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok, Thái Lan, xin trợ cấp cho những người tàn tật, trong đó có bản thân tôi. Tôi có lấy của ai đồng xu cắc bạc nào đâu. Tôi viết thư trên một tờ giấy mẫu, mỗi đương sự tự chép lại rồi bổ túc tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ, ngày gia nhập quân đội, số quân, ngày giờ bị thương... Sau khi viết xong, tôi đọc lại các thư để dò lỗi chính tả rồi chính mỗi đương sự bỏ thư vào bao, dán lại cẩn thận, đón xe về Sài Gòn đến bưu điện chính gần Nhà Thờ Đức Bà gởi, tiền tem thư do bưu điện tính.

Việc này lúc đầu chỉ có một vài người thân biết, về sau tiếng đồn vang xa anh em phế binh từ khắp nơi mò đến tìm tôi nhờ viết giùm văn thư. Chẳng may anh em đến bưu điện đông quá, gây ồn ào khi xếp hàng chờ cân gởi, công an bảo vệ thấy lạ liền đến xét hỏi và phát giác các phế binh gởi thư bằng tiếng Anh cho tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok. Tất cả đều bị bắt giữ và sau khi bị tra khảo, vài người khai là do tôi chủ mưu. Công an phản gián PC16 phối hợp cùng với công an tỉnh Vũng Tàu về địa phương bắt tôi. Chưa thấy xã hội nào như xã hội này, viết đơn giùm những người bất hạnh cũng bị phạt tù ba năm. Đau đớn và oan ức quá!

Suốt 3 năm bị giam giữ, sống trong cảnh nhục nhằn, trải qua nhiều nỗi đắng cay, tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Mặc cho ai hãm hại, thêu dệt, làm tình làm tội đủ điều, trăm phương ngàn kế triệt hạ sinh kế gia đình, tôi luôn vững tâm tin tưởng vào Thượng Đế. Tôi tin vào luật nhân quả, ai làm việc tốt sẽ được đền bù, ai làm điều ác phải gánh chịu hậu quả. Thượng Đế luôn luôn công bằng, không ai qua mặt được Ngài và cũng không ai có quyền tước đoạt nguồn sống của một ai. Cuộc đời của mỗi người là một tác phẩm. Nó là một diễn trình biến chuyển không ngừng với nhiều nỗi thăng trầm, khi thì lên voi, khi thì xuống chó, thành bại, sống còn, thương đau cùng hạnh phúc xảy ra trong phút chốc. Ngày hôm qua còn được tự do, hôm nay ngồi tù, thật là oái ăm. Tôi phải phấn đấu liên tục với chính mình để tồn tại. Mặc dù vậy tôi vẫn nuôi hy vọng có một ngày được trở về với gia đình. Dù nghèo, dù khổ, nghe tiếng cười đùa của con cháu lòng cũng thấy niềm vui.

Tôi bị giam ở Xuân Lộc. Nơi đây có đủ thành phần tù nhân, từ những người tranh đấu chính trị đến những tội phạm hình sự. Riêng tôi vì bị kết tội chính trị nên bị giam chung với những tù nhân chính trị. Kể cũng may, những người này dù phải sống trong cảnh khổ cực nhưng vẫn giữ phong cách, không chửi tục, không co tay giơ chân mỗi khi bất bình. Người nào người nấy đều đứng tuổi, tóc bạc phơ, nụ cười hiền từ lúc nào cũng nở trên môi. Tôi có dịp làm quen với mấy vị linh mục dòng Đồng Công Thủ Đức; nhiều vị đại đức các chùa trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn cũng bị giam ở đây. Nghe đâu có một ông bác sĩ nào đó rất nổi tiếng (bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ghi chú thêm) cũng bị giam ở đây, ông ta bị biệt giam ở khu cách ly nên tôi chưa được biết mặt. Mọi người nhắc tới ông với tất cả lòng kính mến, hình như ông đã bị giam hơn 20 năm nay.

Không biết những con người hiền từ và đức độ như vậy có làm gì sai trái mà phải bị giam giữ nơi đây. Nhiều lúc ngồi nghe các vị cao niên nói chuyện chính trị, bình luận thời cuộc khiến tôi rất thích thú, kiến thức của tôi cũng nhờ đó mà mở mang thêm, nhưng thú thật tôi chẳng hiểu gì lắm. Nếu có chuyện gì, ai bảo tôi làm điều gì thì tôi thi hành ngay nhiệm vụ đó chứ tham gia bàn bạc kế hoạch, chiến lược chiến thuật thì chịu. Vốn là một hạ sĩ quan, tôi chỉ là kẻ thừa hành, nghiêm chỉnh chấp hành lệnh trên. Hơn nữa trong suốt thời gian ở ngoài đời tôi chỉ nghĩ tới miếng ăn, miếng sống hằng ngày còn thì giờ đâu mà suy nghĩ, cùng lắm là văng tục vài câu cho hả giận mỗi khi bị hiếp đáp. Thỉnh thoảng tôi được mấy vị cao niên mời ngồi đánh cờ tướng chung thật là vinh hạnh, nhiều lúc tôi chỉ muốn được đứng bên phục vụ trà nước là sung sướng rồi.

Nhưng an ủi nhất là gặp lại nhiều anh em thương phế binh bị giam giữ nơi đây. Anh em chúng tôi thường tụ năm tụm bảy nghe nói chuyện sau một ngày lao động vất vả, tôi kể lại những điều nghe thấy ngoài đời và những lời bình luận của các vị cao niên cho các anh em khác nghe. Nơi đây kỷ luật tương đối dễ chịu, cán bộ trại giam đi tuần liên tục nhưng không cấm anh em nói chuyện. Trong số phế binh bị giam tại đây có trung úy nhảy dù Phạm Tấn Dũng, cụt bàn chân trái. Anh Dũng bị kết tội "âm mưu lật đổ chính quyền" vì đã tập họp anh em phế binh đi bán nhang. Đây là một gương sáng về sự anh dũng, như tên gọi của anh. Những chiến tích của anh Dũng làm tôi nhớ mãi.

Trong một trận đánh ác liệt hồi tháng 10-1974, đại đội của trung úy Phạm Tấn Dũng được lệnh tái chiếm đồi 1062, một cao điểm thuộc quận Thượng Đức, tỉnh Quảng Nam. Cuộc chiến kéo dài suốt hai giờ liền, tiếng pháo, tiếng bom và tiếng lựu đạn nổ rền trời, cây cối ngã gục hết chung quanh. Xác người nằm la liệt dọc triền đồi, những xác đen xì bốc lên mùi máu nồng nặc. Ba trong bốn chốt địch đã bị "đại đội cảm tử" của trung úy Dũng hạ. Chốt còn lại chống trả dữ dội, đúng là chúng muốn tử thủ. Bực mình và tự ái của người chỉ huy, trung úy Dũng dẫn sáu "đệ tử ruột" tiến vào đồn địch dưới màn lửa đạn của đồng đội. Bảy người chỉ mang theo lựu đạn và lưỡi lê để đánh cận chiến. Từng thước địa hào lần lượt bị chiếm. Địch quân gài lựu đạn cản đường, chúng còn gài lựu đạn dưới xác chết. Vì ham thu lượm chiến lợi phẩm nơi các xác chết, hai trong sáu "đệ tử" bị lựu đạn gài nổ gây thương tích nặng. Trung úy Dũng mãi mê tiến vào địa hào, tránh né đạn thù chẳng may đạp trúng lựu đạn gài dưới đất, bàn chân phải bị đứt lìa. Từ đó anh thành phế binh nhưng kiếp sống hùng không bao giờ mất trong anh.

Sau biến cố 30-4-1975, trung úy Dũng cũng như bao chiến sĩ khác phải đi "học tập cải tạo", mặc dù thân thể bị tàn phế. Thay vì ở tù ba năm như mọi người, anh Dũng bị giam gần chín năm vì tội đánh ăng ten trong trại. Cùng là lính với nhau, cũng tù tội như nhau nhưng vẫn có nhiều người yếu hèn làm ăng ten cho trưởng trại, báo cáo mọi câu chuyện và thái độ của từng người cho cán bộ quản giáo, khiến nhiều anh em bị đánh đập và biệt giam, đôi khi còn bị cấm thăm nuôi. Để được gì? Chẳng được gì cả, những tên làm ăng ten không những ở tù lâu như mọi tù nhân khác mà còn bị anh em mắng chửi thậm tệ, không ai muốn nhìn mặt.

* * *

Trở lại kiếp sống cải tạo trong trại Xuân Lộc. Mặc dầu có phần dễ dãi hơn các trại giam khác mà tôi đã trải qua, nơi đây mọi tù nhân phải chấp hành lệnh của trại đến từ bất cứ ai mặc sắc phục. Một nửa thời giờ trong ngày dùng để lao động ngoài đồng hay trong rừng, nửa thời giờ còn lại dọn dẹp trong trại như quét dọn phòng ốc, nhổ cỏ, tưới cây quanh trại. Tối thì được phép nấu nước trà, đánh cờ tướng hay ngồi trò chuyện với nhau, nhưng đến khuya thì phải tắt đèn đi ngủ. Hầu như tất cả mọi người nơi đây đều đã có án tù chính thức, nên mỗi tháng được gia đình đến thăm nuôi một lần. Ai có gia đình khá giả thì ăn uống no đủ, ai khốn khó như tôi thì đành chờ... anh em khác thương tình cho ăn ké. Cứ mỗi chủ nhật cả trại ồn ào, náo nhiệt hẳn lên vì có thăm nuôi. Tiếng cười nói, đi lại của mọi người làm thay đổi bộ mặt buồn thảm của một trại tù.

Ở trong trại được hai năm, tôi quen dần với người và cảnh vật, những người khác chắc cũng vậy. Không bao giờ có chuyện trốn trại ở khu "chính trị" này. Thỉnh thoảng chúng tôi có nghe một vài tù hình sự trốn trại. Có người thành công, có kẻ thất bại. Những ai bị bắt trở lại thì chịu những hình phạt dã man nhất: bị đánh bằng báng súng vào đầu và mình mẩy, bị trói ngồi trong thùng phuy ngập nước phơi giữa trời. Vào giữa trưa, một hay hai cán bộ quản giáo cầm một khúc tre hoặc dùng chân đá vào hông thùng để những chấn động của nước ép vào cơ thể khiến tù nhân hộc máu mồm, máu mắt ra. Chưa hết, người trốn trại khi được lôi ra khỏi thùng phuy còn bị trói cả chân và tay rồi treo lơ lửng ở cành cây suốt đêm cho muỗi chích, sáng hôm sau mới đem nhốt trong côn néc không có lỗ thở trong suốt hai ngày liền, không được cho ăn cho uống, tiêu tiện gì cũng tại chỗ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hình phạt này là đế cảnh cáo những ai có ý định trốn trại phải sợ. Tù nhân thường được thả ra lúc giữa trưa, đang còn loạng choạng vì bị ánh nắng làm chói mắt thì hai ba cán bộ nhảy tới đá thêm cho mấy cái ngã chúi xuống đất, rồi mới kêu hai ba tù nhân khác khiêng vào phòng tập thể. Các tù nhân thường bị xỉu khi ra khỏi côn néc, những người yếu sức thường chết vài ngày sau đó.

Trong "khu chính trị" cũng xảy ra nhiều chuyện đau buồn. Anh Trần Văn Được, phế binh trung sĩ nhất thủy quân lục chiến, cụt một tay và mù một mắt trong trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị mùa hè 1972, bị bắt chung với trung úy Phạm Tấn Dũng, cụt một chân, về tội "hội họp bất hợp pháp, âm mưu lật đổ chính quyền", đã chết vì bị hành hạ quá đáng. Một hôm cán bộ quản giáo trẻ tuổi, quê ở Nghệ Tĩnh, vừa được chuyển tới ra lệnh cho anh Được quét sân, nhưng vì giọng nói của người này khó nghe nên anh Được vẫn tỉnh bơ ngồi uống nước trà. Cán bộ gốc Nghệ Tĩnh liền tới xỉ vả, anh Được chẳng hiểu gì cả nhìn cười, tức quá nó đá văng chén nước trà khỏi tay anh Được rồi nhào tới tát anh một bạt tai. Nổi sùng, anh Được cầm lon guigoz đựng nước nóng ở dưới đất tạt vào mặt nó rồi chỉ tay nói:

- Mày là giống gì mà mất dạy quá vậy? Bộ tao là súc vật à? Ai dạy mày vô phép dữ vậy? Con thú nào bị đánh đập quá đáng cũng quay lại cắn, tao tuy bị tàn tật cũng không chịu để cho mày sỉ nhục đâu. Đồ quân mất dạy, nói cho mày biết con tao còn lớn hơn mày mà chưa bao giờ dám hổn láo như...

Chưa nói hết câu, tên cán bộ Nghệ Tĩnh nhào tới nắm áo anh Được, thốt ra những lời tục tỉu khó nghe và đánh đá túi bụi vào đầu vào cổ anh. Đúng là quân mất dạy, đã không biết kính nễ người lớn tuổi mà còn dám đánh đập vào người tàn tật. Anh Được té xuống đất liền bị nó đá tới tấp vào đầu vào bụng, anh chỉ biết co chân ôm đầu chịu trận. Thấy vậy, anh Dũng cà thọt chạy tới can nhưng bị mất thăng bằng anh níu áo tên cán bộ này và cả hai ngã xuống đất. Tức thì bảy tám cán bộ quản giáo khác từ nhà trong chạy ra, lôi anh Dũng đứng lên và đánh hội đồng khiến anh ngã quị xuống đất.

Tức quá, anh Dũng hốt cát ném vào mặt mấy tên cán bộ. Đang lúc chúng còn đang dụi mắt thì anh Dũng nắm chân một tên giật té sấp xuống đất, rồi nhào tới thúc một cùi chỏ vào mặt làm nó tức điên lên. Tên này vội vàng đứng dậy chạy đi tìm một khúc tre thật lớn dùng làm cột phơi đồ quất tới tấp vào mình, vào đầu anh Dũng. Tiếng "bình bịch" và "bồm bộp" vang lên khô khan, máu từ đầu và vết thương nơi chân cụt của anh Dũng rỉ ra đầy mặt đất. Các trại viên chạy ra can thiệp, năn nỉ xin tha, đám công an chỉa súng vào đám người, tên chỉ huy ra lệnh lùa tất cả trại viên vào phòng giam lại, không cho bất cứ ai ra dòm ngó hay ngồi hóng mát nói chuyện. Riêng hai anh Dũng và Được bị chúng nắm áo lôi lên văn phòng.

Trời vừa bắt đầu tối, không ai còn lòng dạ ngồi xuống đất ăn cơm. Anh em chúng tôi lo âu cho số phận của hai người bạn tù. Phòng tra tấn và phòng giam tập thể không xa nhau lắm nhưng tiếng ồn ào trong phòng giam và tiếng gió rừng lấn át nên chúng tôi chỉ nghe được tiếng mất tiếng còn những gì xảy ra ở đó. Rõ nhất là những tiếng la hét của cán bộ công an, họ đánh đập hai anh suốt buổi chiều và chỉ ngừng khi tất cả bỏ đi ăn cơm chiều, sau đó lại vang lên suốt đêm khuya. Chúng tôi chỉ nghe và hiểu được tiếng la hét của những cán bộ miền Nam hay gốc Hà Nội, còn mấy cán bộ gốc Nghệ Tĩnh la hét cái gì thì chịu, chẳng ai hiểu gì cả. Là người Việt với nhau mà người Nghệ Tĩnh nói như người ngoại quốc, không ai hiểu gì.

Nội dung những tiếng hét tra khảo và trả lời đại khái như sau:

- Mày đeo cái gì tòn ten ở cổ hả thằng kia?

- Thánh giá! - Dũng trả lời (anh Dũng theo đạo công giáo nên luôn cây thánh giá ở cổ bằng nhựa đen đúc bằng những bao ny lông).

- Cỡi nó ra khỏi cổ ngay lập tức! - tên cán bộ miền Nam giận dữ ra lệnh.

- Còn lâu. Không ai có quyền buộc tôi phải bỏ nó. Cây thánh giá này sẽ theo tôi xuống lòng đất khi tôi chết. Tín ngưỡng là một quyền thiêng liêng, các ông lấy quyền gì mà bắt tôi từ bỏ. Bộ muốn cấm đạo hả? Cây thánh giá này tượng trưng cho tín ngưỡng của tôi, không ai có quyền buộc tôi cỡi ra?

Tức thì mấy tiếng "huỳnh huỵch" vang lên, có lẽ họ đá vào người anh Dũng. Tên cán bộ miền Nam nghiến răng hằn học:

- Đạo gì hả? - "Bình bịch", tiếng cán bộ đánh đấm vào người anh Dũng vang lên một hồi. Đ... mẹ. Nè đạo...

- Ự.. ự! - Anh Dũng rên lên. Tôi theo đạo gì kệ tôi, mắc mớ gì các người...

- Muốn chết vì đạo hả? - "Bộp bộp" mấy cái. Tao cho mày chết...

Có lẽ chúng đang đánh vào đầu vào mặt của anh Dũng. Chúng tôi chỉ nghe những tiếng "ự, ự" từ miệng anh Dũng nặng nề vang lên.

- Bớ người ta, chúng đánh người. Họ giết chúng tôi... - tiếng anh Được gào lên nửa chừng rồi tắt nghẹn.

Những tiếng "huỳnh huỵch", "bồm bộp" khác lấn át tiếng la của anh Được. Có lẽ chúng đang đánh hai anh bằng gậy hay vật gì cứng lắm vì những tiếng "thình thịch" vang lên rất khô khan. Tiếng "ự ự" từ cổ họng hai yếu dần. Anh Dũng và anh Được đang bị chúng đánh hội đồng. Chúng tôi chỉ nghe những tiếng rên rỉ đứt khoảng rồi im bặt. Bầu không khí im lặng nặng nề bao trùm khắp trại giam. Chúng tôi chỉ thấy một vài tên công an chạy ra chạy vào hớt hải từ phòng tra khảo với nhà trại trưởng.

Đêm hôm đó, trong phòng giam tập thể không ai ngủ được, chúng tôi lo âu cho số phận hai anh. Sáng hôm sau, cán bộ quản trại cho hay hai anh Dũng và Được đã "hành hung cán bộ và cắn lưỡi tự tử chết" vào lúc giữa đêm. Hành hung cái gì? Tự tử cái gì? Hai người tàn tật bị công an quản trại đánh đập tới chết rồi nói là tự tử. Bốn người được lệnh quản trại kêu ra lên văn phòng khiêng xác hai anh chôn ở một góc trại. Những trại viên khác vẫn bị kêu ra điểm danh và đi lao động như thường lệ.

Chiều tối về, anh em chúng tôi chạy xúm lại quanh bốn người hồi sáng được lệnh mang xác hai anh Dũng và Được đi chôn hỏi han. Họ thuật lại rằng xác hai anh mang đầy vết tím bầm, khóe miệng hai anh còn máu rỉ ra, con mắt còn sáng của anh Được bị xưng tím đen, mặt anh Dũng thì dính đầy máu. Máu từ các vết thương cũ ở chân và cánh tay hai anh đều khô đen, dính đầy quần áo. Ngực và lưng của anh Dũng chằng chéo những vết tím đen. Hai anh có lẽ bị chết vì những vết thương ở đầu, dưới tóc hai anh máu khô bám chặt, cạy không ra. Trước khi bó xác hai anh vào hai tấm chiếu, bốn người này phải ký vào biên bản xác nhận hai anh tự tử rồi mới được mang xác đi chôn. Các anh đào lỗ chôn dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của hai cán bộ công an và chỉ được phép cấm một cây cọc ở đầu hai nấm mộ để ghi dấu. Không ai được quyền than khóc và cũng không được khắc tên hai anh trên cọc gỗ để ghi nhớ. Chôn cất xong, bốn anh được phép nghỉ ngơi nửa ngày, sau đó vào phụ nhà bếp.

Từ đó trở đi cuộc sống trong trại trở nên ngột ngạt, quan hệ giữa tù và cán bộ quản trại trở nên gượng gạo. Những cuộc thăm nuôi càng lúc càng bị kiểm soát gắt gao, cán bộ quản trại sợ những trại viên viết thư ra ngoài kể lể sự việc nên gia đình người thăm bị lục soát rất kỹ. Có vài người bị bắt giữ lại suốt một ngày vì lén mang thơ của trại viên ra ngoài, họ phải làm bản tự kiểm thảo trước khi được cho về hôm sau. Trại viên viết thư lén bị cúp thăm nuôi nhiều tháng và còn bị giam vào côn néc ở khu cách ly cùng với ông bác sĩ.

Những cán bộ lớn tuổi miền Bắc còn chút tử tế, chỉ ra lệnh xuông nhưng không chửi bới, những cán bộ trẻ tuổi thì ăn nói rất là vô lễ, chúng gọi tất cả mọi tù nhân bằng "thằng" và hống hách như thời phong kiến. Mỗi lời nói ra là có tiếng "đ... mẹ, đéo bà" đi theo. Tôi nghĩ nếu có vũ khí trong tay có lẽ chúng tôi đã giết chúng từ lâu. Thương gì bọn người này, chúng quên rằng đời người còn dài, trái đất này rất hẹp, có ngày chúng tôi sẽ sẽ gặp lại chúng đòi nợ, chúng không trả món nợ này ngày hôm nay thì con cháu chúng sẽ trả ngày mai. Ác nhân quả bảo, luật nhân quả luôn luôn đúng.

* * *

Ngày ra khỏi tù, tôi về lại với gia đình, trong lòng khắc sâu nỗi hận. Tôi hòa nhập vào kiếp sống phế binh, kiếp sống của những người có miệng nhưng không có tiếng nói, có mắt phải như người mù, có trí khôn giả như lú lẩn. Chúng tôi là thành phần cặn bã không có quyền sống bình thường trong xã hội này.

Hôm nay viết những dòng thô thiển này nói về kiếp sống gian truân của một phế binh Việt Nam Cộng Hòa gởi đến quí vị. Chúng tôi chỉ muốn được sống trong danh dự như mọi người khác nhưng không được. Kính mong quí vị đang sống khắp nơi trên thế giới cứu giúp chúng tôi và dang rộng vòng tay từ thiện cứu vớt những người tàn phế đang sống nhục nhằn trên đất nước đau khổ này.

Viết lại theo lời kể của Khát Vọng,
phế binh cụt chân trái, hiện cư ngụ tại Long Hải, Vũng Tàu.

No comments: