Thursday, December 8, 2011

Thay lời tựa: Những Mảnh Đời Rách Nát

TPB/QLVNCH


Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển
Những Mảnh Đời Rách Nát là tuyển tập những bài viết ngắn do các anh em thương phế binh và quả phụ trong nước gởi ra hải ngoại. Đây là tuyển tập đầu tiên ghi lại cuộc sống cùng nỗi đau thương mà chính các anh em thương phế binh, cô nhi, quả phụ đã và đang trải qua từ sau ngày 30-4-1975 cho đến nay.


Phan Minh Hiển đảm nhận phần liên lạc và góp nhặt tài liệu, tôi phụ trách phần biên soạn. Vì phải đối diện thường trực với những đe dọa đến từ mọi phía và, hơn nữa, vì không phải là những người có tài viết văn, tác giả các bài viết chỉ thuật lại một cách trung thực và mộc mạc những cảm nghỉ về thương tật hay hoàn cảnh họ đang sống và ủy nhiệm chúng tôi quyền trau chuốt câu văn, bổ túc những dữ kiện để nội dung từng bài viết thêm phần mạch lạc và chính xác.


Mục đích ra mắt tuyển tập vào lúc này nhằm đánh động lương tâm dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại về những bất công và chèn ép mà các anh em thương phế binh, cô nhi, quả phụ trong nước đã và đang gánh chịu dưới chế độ cộng sản, đồng thời cũng để tỏ lòng biết ơn những tấm lòng cao cả trong cộng đồng người Việt hải ngoại, sau bao nhiêu năm xa lìa tổ quốc, vẫn còn thương tưởng đến những nạn nhân của một thời chinh chiến đã qua.


Tuyển tập này là một đóng góp quan trọng và hữu ích cho những người nghiên cứu lịch sử, chính trị và xã hội miền Nam Việt Nam sau ngày 30-4-1975. Nó cung cấp những dữ kiện mới về thực trạng đời sống dân chúng miền Nam dưới một khía cạnh khác, "xã hội vỉa hè", do chính những người trong cuộc kể lại. Nó cũng là tiếng la cầu cứu của những người không có chỗ đứng và không có tiếng nói sau cuộc đổi đời khắc nghiệt. Nó còn là tiếng chuông đánh động lương tâm chúng ta và nhân loại, hòa bình đã trở lại trên quê hương nhưng chưa có thật trong lòng mọi người.


Tuyển tập được chia ra làm hai phần. Phần một, phần chính, Những Bóng Ma Trên Hè Phố, là những mẫu chuyện chung do các thương phế binh và quả phụ kể về cuộc sống thường nhật của họ trên các vỉa hè. Phần hai, Những Kiếp Sống Gian Truân, thuật lại những mảnh đời đau thương dưới dạng hồi ký.


Một cảm giác thường được tỏa ra trong các bài viết là sức sống mãnh liệt của những người ở nấc thang cùng thấp nhất của xã hội. Dù bị vùi dập trong bất cứ hoàn cảnh nào, tất cả đều ao ước ao được sống. Sống để làm chứng nhân và sống để nuôi hy vọng. Gần một phần tư thế kỷ đã đi qua, thân thể tàn phế của những thanh niên ở lứa tuổi 20 năm 1975 ngày nay suy kiệt, nhiều người đã chết trong chốn rừng sâu, trên vùng kinh tế mới hay trên các vỉa hè, số người còn lại thưa dần với thời gian. Nếu những phế binh còn lại không có tiếng nói, các thế hệ mai sau sẽ không bao giờ biết có những người tàn phế vì đã chiến đấu bảo vệ miền Nam tiếp tục bị đày đọa sau ngày mất nước. Những phế binh đang lang thang cầu thực trên các vỉa hè là những chứng nhân của cuộc tranh chấp vô lý vừa qua, người Mỹ đã về nước, người cộng sản lên ngôi và những người thua cuộc không có chỗ đứng. Trong cuộc đổi đời không may này, hy vọng là nguyên do duy nhất nuôi dưỡng quyết chí sinh tồn của những người không còn gì để mất. Hy vọng cũng có lẽ là mẫu số chung giữa những người Việt trong và ngoài nước, tất cả chúng ta đều hy vọng sớm thấy một đất nước có lại tình người, nụ cười nở lại trên môi trẻ thơ, niềm vui trong ánh mắt cụ già và các anh em phế binh được sống trong danh dự.


Qua những mẫu chuyện ngắn này, độc giả sẽ thấy chúng ta là những người may mắn. May mắn vì đã ra khỏi cuộc chiến một cách lành lặn trong khi nhiều người thân thể đã không toàn vẹn còn phải chịu đựng biết bao điều khổ nhục. May mắn vì đã thăng hoa trong những xã hội dân chủ tự do và nhân quyền trong khi những người ở lại chỉ biết câm lặng cúi đầu mà vẫn không được yên. May mắn vì bản thân, gia đình và con cái sống trong ấm no và hạnh phúc trong khi nhiều người vẫn còn mò mẫm trong vùng bóng tối kiếm miếng sống hằng ngày. Chúng ta không thể không chia sẻ những may mắn đó với những người thua thiệt, vì họ là một phần thịt da chúng ta đang còn rên xiết.


* * *


Nhìn lại cộng đồng người Việt hải ngoại, chúng ta đã sống gần một phần tư thế kỷ trên đất khách quê người, quê hương vẫn là tiếng gọi thiết tha. Cuộc sống mỗi người nếu không khá hơn thì cũng đã ổn định, những chập chững lúc ban đầu đã qua đi, một tương lai sáng lạn chờ đón trước mắt. Tiếp xúc với các xã hội dân chủ Tây phương, cách nhìn và cách sống của chúng ta có nhiều thay đổi mà thay đổi lớn nhất là cách nhìn của chúng ta đối với đất nước. Thay vì cắt đứt quan hệ với tổ quốc, cộng đồng người Việt hải ngoại đang nhìn về đất nước với tất cả yêu thương và đùm bọc. Những bực bội ban đầu đối với một chế độ bất dung đã vơi đi, nhiều người trong chúng ta đã về thăm lại đất nước. Không những chúng ta đã giúp gia đình và thân nhân vượt qua nỗi khó, chúng ta còn chia sẻ nỗi đau của người cùng khổ. Giúp đỡ những người bất hạnh có lẽ là trọng tâm chính của cộng đồng người Việt hải ngoại trong những năm gần đây.


Chính qua cách nhìn này chúng tôi muốn mượn tuyển tập Những Mảnh Đời Rách Nát đề cao tinh thần tương thân của cộng đồng người Việt hải ngoại, nó đánh dấu sự trưởng thành của một cách sống và sự lớn mạnh của một cộng đồng.


Tìm một thống kê chính xác những công tác xã hội do cộng đồng người Việt hải ngoại thực hiện trong nước rất khó. Khác với các hội đoàn thiện nguyện quốc tế, sự giúp đỡ của chúng ta có tính cá biệt, nó không công khai và cũng không rầm rộ nhưng vô cùng hiệu quả. Cách thức cưu mang, giúp đỡ đồng bào trong nước thiên hình vạn trạng, ở mỗi nơi vào mỗi lúc chúng ta có những phương thức riêng để tặng phẩm đến tay người nhận. Ai cũng có thể giúp, ai cũng có thể nhận. Nó trực tiếp và không qua trung gian bất cứ một tổ chức hay chính quyền địa phương nào.


Sự giúp đỡ ban đầu mang tính tự phát, càng về sau càng được sự hưởng ứng của nhiều người, phong trào cứu trợ người cùng khốn trong nước lớn rộng và mang một tầm vóc mới. Nhiều tổ chức, nhiều hội đoàn thiện nguyện đã được thành lập, chương trình giúp người nghèo khó trong nước đến được nhiều nơi, ban đầu tập trung tại một vài thành phố lớn, về sau đến tận các làng xã xa xôi. Chu kỳ và trọng lượng của sự giúp đỡ tăng cùng với thời gian, trong vài trường hợp có thể nói ngang bằng tầm vóc của các tổ chức thiện nguyện quốc tế.
Hơn các tổ chức quốc tế, lần này chính người Việt đứng ra cưu mang người Việt. Không những cộng đồng người Việt hải ngoại đang trực tiếp giúp đỡ đồng bào ruột thịt trong nước mà còn tha thứ cho một đất nước đã từng bội tình bạc nghĩa. Ngoài vòng đai thân tộc, không người Việt hải ngoại nào đã không một lần giúp một người không may trong nước, sợi dây thân ái giữa người Việt trong và ngoài nước ngày càng thắt chặt. Qua những giúp đỡ này, chúng ta xứng đáng với chính chúng ta. Đây là điểm son nổi bật của cộng đồng người Việt hải ngoại, chúng ta đang chứng tỏ với thế giới và các quốc gia cưu mang chúng ta Việt Nam sau này sẽ là một dân tộc lớn.


Người trong nước cũng đang nhìn đồng bào ruột thịt ngoài nước với con mắt khác. Trước đây, do chính sách bế quan tỏa cảng của chế độ chỉ một số ít người được về thăm nhà, sự huênh hoang quá lố của những người này lem luốt hóa cộng đồng hải ngoại. Ngày nay, lượng người về nước ngày càng đông hơn, cuộc sống tại hải ngoại của chúng ta được người trong nước biết rõ, nhân cách của chúng ta được thêm kính trọng. Người trong nước đã không ngần ngại trao đổi tâm tình, hoàn cảnh khốn khó của họ đã được biết đến và mong đợi cánh tay nối dài từ hải ngoại. Chúng ta là những phao cấp cứu cho những người đang còn ngụp lặn trong sự nghèo khổ.


Trái với những lời chỉ trích bi quan cho rằng gởi tiền và quà về cho người nghèo khó trong nước là tiếp tay giúp chế độ cộng sản kéo dài. Ngược lại, công tác nhân đạo này là một thắng lợi lớn về mặt tinh thần và chính trị. Giúp người nghèo khó là điểm đúng vào tử huyệt của chế độ. Công bằng bác ái là những khẩu hiệu khi phong trào cộng sản khởi đầu, cũng chính nhờ khẩu hiệu đó mà đông đảo quần chúng đã nghe và đưa họ lên cầm quyền. Nhưng người cộng sản lại rất mau quên, khi nắm được chính quyền họ bỏ rơi quần chúng lao động, bỏ rơi luôn cả những người đã từng vì họ hy sinh. Chủ nghĩa xã hội đang áp đặt tại Việt Nam không phải chủ nghĩa của người nghèo khó, nó là chủ nghĩa của kẻ cướp ngày. Chính quyền cộng sản đã chọn thế đứng của giai cấp bóc lột, một giai cấp mà họ đã từng mạt sát và tiêu diệt xưa kia. Ngày nay những người cộng sản không còn tư cách để nhân danh giai cấp vô sản khi chính họ đang chà đạp những người đang ở nấc thang thấp cùng nhất của xã hội. Những chiêu bài ý hệ của người cộng sản chỉ là những khẩu hiệu bịp bợm.


Vai trò đang đảo ngược. Chúng ta đang giành trên tay chế độ cộng sản quyền chăm sóc đồng bào nghèo khổ trong nước, một quyền mà bất cứ chính quyền nào cũng phải ưu tiên thực hiện. Chúng ta không thể để chính quyền cộng sản tiếp tục bạc đãi đồng bào trong nước, kềm hãm đà tiến của một dân tộc. Quyền chăm sóc đồng bào ruột thịt ngày nay không còn là của riêng một tổ chức tôn giáo, xã hội hay chính trị nào, nó ở trong tầm tay của tất cả mọi người, những người bình thường như chúng ta giàu lòng nhân ái.


Dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc nghèo hèn, chúng ta không xứng đáng với số phận đó. Đất nước chúng ta có đủ điều kiện để vươn lên nhưng cơ cấu tổ chức chính trị hiện nay không tạo cơ hội đó. Cộng đồng người Việt hải ngoại không thể bình yên đứng nhìn dân tộc Việt Nam bị trói tay, cúi đầu đi vào tương lai trong hổ nhục. Hổ nhục không những cho chúng ta trong đời này mà cho cả con cháu chúng ta đời sau. Không, chúng ta không chấp nhận tương lai đó và sẽ không cho phép chính quyền cộng sản tiếp tục khống chế dân tộc. Giúp đỡ đồng bào nghèo khó trong lúc này là góp phần xây dựng tương lai Việt Nam. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cứu trợ đồng bào nghèo khốn trong nước.


Yêu nước trước hết là yêu đồng bào, yêu niềm vui cùng thương nỗi khổ. Nhưng niềm vui thì ít nỗi khổ thì nhiều, chúng ta không thể làm ngơ. Xoa dịu nỗi đau của người cùng khổ chính vì vậy cao đẹp như tay người mẹ vuốt tóc con thơ. Giúp đỡ người thiếu thốn không cần một chủ thuyết cao siêu, chỉ cần một tấm lòng. Mang lại hạnh phúc cho người khốn khó trong lúc này là rất cần thiết, nó là mẫu số chung kết hợp những tấm lòng quảng đại. Nếu hận thù đã chia rẽ chúng ta hôm qua, tình thương đang kết hợp chúng ta hôm nay và mai sau, chúng ta muốn thấy Việt Nam sau này là miền đất hứa của tình anh em tìm lại.


Ước muốn là như vậy nhưng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật. Làm công tác từ thiện trong những điều kiện hiện nay trong nước rất là khó khăn, chính quyền cộng sản không muốn để cộng đồng người Việt hải ngoại là một sức mạnh, họ không cho chúng ta quyền chăm sóc người nghèo khó trong nước. Họ không có phương tiện giúp đỡ nhưng cũng không khuyến khích chúng ta làm thay. Nhưng những khó khăn đến từ phía chính quyền cộng sản không thể ngăn cản quyết tâm của chúng ta. Ngoài sự quyết tâm, chúng ta phải tôn trọng một số nguyên tắc để công việc cứu trợ tiến hành dài lâu.


Trước hết là sự kín đáo. Kín đáo để bảo vệ những người đang cần sự giúp đỡ vì các chính quyền địa phương thường nhìn một cách ác cảm những ai được cộng đồng người Việt hải ngoại cứu trợ. Đối với những người làm công tác nhân đạo trong nước, ngưỡng cửa của tự do và ngục tù không có làn ranh. Chỉ cần một chút sơ suất cánh cửa tự do sẽ bị khép lại.


Thứ hai là tính hiệu quả. Hiệu quả là với món quà tặng người cho muốn nó đến tận tay người nhận không phải qua một trung gian, không bị mất mát và đến tận những thôn xóm xa xôi.


Thứ ba là lòng nhẫn nại. Nhẫn nại nhưng khôn khéo. Làm công tác từ thiện trong bối cảnh đất nước hiện nay phải có tấm lòng thật bao dung để phẩm vật đến tay người nhận, chúng ta sẽ không được đền bù gì ngoài niềm vui mang lại cho người khác và lương tâm được thanh thản.


Trong ba nguyên tắc vừa kể, khó ai có thể bảo đảm một kết quả trọn vẹn. Trước đây đã có rất nhiều cá nhân hoặc nhiều tổ chức từ thiện hải ngoại thực hiện công tác cứu trợ người bất hạnh trong nước, nhưng phạm vi hoạt động có phần giới hạn. Chỉ những người trong vòng quen biết mới nhận được sự giúp đỡ, hơn nữa sự giúp đỡ này cũng không đều đặn, vì khả năng tài chánh giới hạn hoặc vì thiếu thông tin. Tài chánh là vấn đề mà mọi ân nhân đều muốn rõ ràng. Có người muốn cá nhân hay hội đoàn đứng ra tổ chức làm những báo cáo chi tiêu rõ ràng gởi đến họ, việc này không phải là vấn đề đối với những tổ chức đã từng có kinh nghiệm thực hành, nhưng nó đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Trả lời thư tín và in ấn tài liệu cũng là một gánh nặng cho những người tổ chức.


Tuy nhiên với những kinh nghiệm đã thực hiện trong những năm qua con đường đã mở sẵn. Một phương thức đã được tìm ra: người cho liên lạc và gởi quà trực tiếp cho người nhận. Mỗi ân nhân có thể chọn một phương án thích hợp với khả năng mình, tiền nhiều giúp người khốn khó nhiều, tiền ít giúp người khốn khó ít. Người cho và người nhận liên lạc trực tiếp với nhau. Công việc cứu trợ như vậy không còn là độc quyền của bất cứ một ai, nhưng phần lớn những người giàu lòng nhân ái đặt hết niềm tin vào một vài cá nhân hay hội đoàn từ thiện có uy tín và nhờ họ thay mặt mình chọn và giúp người cần giúp.




Nguyễn Văn Huy
Paris, Xuân 1999



Mọi giúp đỡ thương phế binh và người nghèo khó, xin liên lạc và gởi tiền ủng hộ về:
Bác sĩ Phan Minh Hiển
215 avenue Pierre Brossolette
94170 Le Perreux sur Marne
France


Điện thoại tại Pháp: 01.43.24.47.64
(những nơi khác: 00.33.1.43.24.47.64)




Chương 1: Có một niềm tin



Sau biến cố 30-4-1975, gia đình và bản thân tôi nói riêng và đại gia đình anh em phế binh nói chung sống những ngày đen tối. Vì bị chế độ mới xếp vào loại "thành phần xấu", chúng tôi bị áp bức đủ điều. Nhà cửa của chúng tôi vốn đã không có gì bị cưỡng đoạt, thân thể không nguyên vẹn của chúng tôi cũng bị cưỡng chế và chịu đựng đủ mọi nhục hình. Một số anh em chúng tôi bị cưỡng bức đưa đi "tập trung cải tạo". Tập trung cải tạo ở đây phải hiểu là đi ở tù, tâm hồn và thể xác bị hành hạ. Nhà tù ở đây cũng không phải là nhà tù trong những thành phố mà là giữa chốn rừng sâu, khỉ ho cò gáy, trong những căn cứ của cộng sản cũ, thiếu thốn trăm bề. Nhiều anh em chúng tôi đã bỏ mình, thân thể nằm lại vĩnh viễn tại những chốn này, mồ hoang cỏ lạnh và bị đời quên lãng.


Gia đình chúng tôi cũng không thoát nạn. Người ta cưỡng bức gia đình chúng tôi ra khỏi thành phố và đưa vào những vùng kinh tế mới giữa chốn rừng thiêng nước độc. Ông già, bà cả, vợ con tay yếu chân mềm, chưa bao giờ biết chặt cây phá rừng, đào mương phát rẫy, đều phải vật vả làm lụng mới có ăn. Những người bị thương tật như chúng tôi, không đủ sức cày sâu cuốc bẩm, khai phá núi rừng, đã bị chói nước rét rừng ngã bệnh nặng trong các vùng kinh tế mới. Tại những nơi này, người ốm đau không có thuốc men chữa trị, người không có sức lao động không có cơm ăn, trẻ em không biết trường học, ông già bà lão thì thiếu ăn thiếu áo. Sau một thời gian, phần lớn những người đi vùng kinh tế mới đều lén trở về thành phố, trong đó có chúng tôi vì không muốn bỏ mình trong chốn rừng sâu.


Trở về thành phố (Sài Gòn) thân yêu, dù phải hành khất xin ăn, lượm vỏ ve chai hoặc bọc ny lông cũ, sống trong cảnh đói khổ kiệt cùng chúng tôi cũng cam chịu. Vì nhờ đó chúng tôi có tiền mua gạo nấu cơm ăn cho đỡ đói. Đêm đêm chúng tôi phải ngủ bụi ngủ bờ, đầu đường xó chợ, vì không nhà không cửa và không có người quen thân để có chỗ che mưa trú nắng.


Ngày ngày chúng tôi chống đôi nạng gỗ lê lết tấm thân tàn đi xin ăn hết nơi này đến nơi khác, gặp gì lượm đó. Cũng nhờ bà con cô bác rủ lòng xót thương, bố thí cho chút tiền mọn hay chén cơm bạc, chúng tôi cũng sống tạm qua ngày. Nhiều lúc quá mỏi mệt, sức lực kiệt cùng, anh em chúng tôi bạ đâu ngủ đó, ngủ thiếp đi lúc nào không biết đến khi bị "người của xã hội này" bao vây tứ phía lúc đó mới tỉnh dậy thì quá muộn màng. Người ta lùa anh em chúng tôi lên xe bít bùng, đánh đập những người chống cự và chở vào trại tập trung. Về đến trại, dù với tấm thân tàn phế, anh em chúng tôi cũng bị đày đọa dầm sương, dãi nắng suốt ngày. Từ sáng sớm, từng tốp người chống nạng lò cò, lọt thọt, bị chia toán đi lao động, nhóm thì cuốc đất trồng khoai, tưới nước ở những miền đất xa, nhóm thì ở lại trại rào kẽm gai, nhổ cỏ. Mỗi ngày người ta chỉ cho ăn tiêu chuẫn mỗi bữa một chén cơm bạc với muối hoặc một củ khoai nướng khét.


Không chịu nổi cảnh khổ cực, đày ải trong các trại tập trung lao động đó, nhiều anh em đã tìm cách trốn trại về lại thành phố. Những ai không may bị phát hiện thì coi như lúa đời, hình phạt dành cho những người trốn trại rất là tàn ác. Mỗi khi nghe tiếng kêu la thảm thiết vọng về từ phòng tra tấn, chúng tôi ai nấy đều xót thương cho những anh em xấu số. Không hiểu tại sao cũng là người như nhau mà người ta có thể tàn ác với nhau đến như vậy, kinh ngạc hơn nữa là tàn ác với những người tàn tật chỉ vì quá sợ họ mà tìm đường trốn thoát. Trưa hôm sau, một vài anh em chúng tôi được gọi lên văn phòng dìu người bạn xấu số về lại phòng giam. Không ai cầm được nước mắt và căm hận khi thấy dáng người phế binh nằm bất động, máu me be bét, hơi thở khó khăn, mặt mũi sưng vù đầy vết tím đen. Những người quản trại dùng báng súng đánh vào đầu anh, dùng chân đá vào người anh và lấy cây đánh cả vào vết thương đã lành nơi khúc chân bị cưa. Máu từ vết thương cũ ở khúc chân cứ ri rỉ theo tiếng rên. Làm sao với một thân hình ốm yếu, cụt què như anh ta chịu nổi đòn thù. Vài ngày sau, anh bạn xấu số kia lìa đời, xác thân bị chôn vùi nơi chốn trại này. Chúng tôi cúi đầu nhìn người ta mang xác anh Thảy vào một hố đất ở bìa rừng. Xét cho cùng, chúng tôi là những người thất trận và thật bại trước bạo tàn. Chúng tôi đã không bỏ xác trên chiến trường nhưng đã ngả gục nhục nhã nơi đây bởi những con người hèn mọn.


Thời gian cứ trôi qua. Chúng tôi chứng kiến hàng ngày cảnh đời trái ngang và đau lòng đó. Và chúng tôi là một trong những số ít người may mắn sống sót trong những trường trại đó. Chúng tôi sẽ không ngần ngại làm chứng nhân những điều mắt thấy tai nghe và thét lên tiếng kêu cầu cứu giùm những người không còn tiếng nói. Tưởng nhớ lại những người anh em xấu số bị hành hạ và phải bỏ mạng trong nỗi nhục đó, nước mắt chúng tôi cứ tuôn trào.


Chúng tôi là những nạn nhân thiệt thòi nhất trong cái xã hội này, một xã hội mang tên xã hội chủ nghĩa nhưng bóc lột không ai bằng. Không những thế nó còn tàn ác hơn cả thú dữ, cảnh đánh đập, chửi bới người cùng khổ xảy ra hàng ngày và công khai. Chính quyền cộng sản đã không làm một cử chỉ gì giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống mà còn tìm cách vùi dập, đàn áp không cho chúng tôi xuất hiện trước mắt người khác. Họ chỉ muốn chúng tôi chết đi cho khuất mắt họ, họ không muốn lương tâm họ bị dằn vặt bởi cuộc sống khó khăn do chính họ gây ra. Chúng tôi có làm điều gì ác đức đâu để phải bị hành hạ như vậy, chỉ vì quá nghèo đói chúng tôi phải lang thang cầu thực, chúng tôi có cướp bóc, lường gạt ai đâu mà bị đối xử vô nhân đạo như thế? Những người đại diện chế độ này không có tình người, họ không những ăn sung mặc sướng, ỷ lại chức quyền, cướp của công, ăn hối lộ và làm tiền người khác mà còn ruồng bỏ, hất hủi những người đã bị họ lợi dụng.


Trên bước đường ăn xin, chúng tôi còn chứng kiến bao cảnh trái ngang của những gia đình "cách mạng", có nhiều "liệt sĩ" bị hất hủi, bị bỏ quên bởi chính đồng đội cũ của con cháu mình. Không những thế những đám thanh niên vừa mới lớn lên, a dua theo chế độ này, còn vênh vặt chửi bới những "bà mẹ chiến sĩ" buôn thúng bán bưng lấn chiếm lòng lề đường. Ôi, cảnh đời thật quá bất công! Chúng tôi chỉ là những kẻ sống bên lề cuộc sống, không có quyền gì cả, kể cả quyền đi ăn xin.


Những khi bị đời hất hủi, chúng tôi chỉ tìm an ủi khi nhớ lại dĩ vãng xa xưa. Dù sao chúng tôi cũng có một thời oanh liệt và đáng tự hào, chúng tôi là những chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã chiến đấu anh dũng với kẻ thù, trừ gian diệt bạo trên khắp nẻo đường Việt Nam thân yêu, đem lại bình yên cho đất nước, yên bình cho muôn dân. Chẳng may khi bị thương, anh em chúng tôi phải bỏ đi một phần thân thể, giã từ vũ khí trở về đời sống dân sự. Trước kia, chúng tôi được mọi người kính mến, nhân phẩm được tôn trọng, nhưng từ sau 30-4-1975 chúng tôi sống trong hỏa ngục. Làm sao có cuộc sống bình thường khi mỗi ngày phải tìm cách đối phó những nanh vuốt, tránh né những đòn thù của kẻ ác. Vũ khí tự vệ của chúng tôi là chịu đựng và niềm tin.


* * *


Riêng về cá nhân tôi, thời trai trẻ đã tham gia nhiều cuộc hành quân diệt giặc. Chẳng may năm 1970, trong một trận đánh tôi đã để lại một khúc chân trên rừng núi Tây Ninh. Trở về đời sống dân sự, cuộc sống của tôi cùng với gia đình cũng tạm yên. Nhưng không ngờ đất nước thân yêu rơi vào tay giặc, cuộc sống bình yên bị cướp, chúng tôi trở nên nghèo khổ. Chúng tôi bị phân biệt đối xử, sống trên quê hương tưởng như sống trong vùng đất lạ, chúng tôi không có quyền gì cả, kể cả quyền ăn xin. Chúng tôi sống trong sự kềm kẹp, trên đe dưới búa, và không còn ai nâng đỡ trong quảng đời tàn phế này. Chúng tôi đã gào thét lên đến trời xanh: "Tại sao cuộc đời anh em chúng con quá vô phước, bất hạnh thế này", mà trời cao nào có thấu cảnh đời đen tối mà anh em chúng tôi đang trải qua, một cuộc sống khổ nhục tuyệt vọng không có ngày mai.


Có lần đi ngang qua cầu Sài Gòn, anh em chúng tôi nắm tay nhau định nhảy xuống sông để tự tử nhưng nghĩ đến mẹ già, vợ dại, đàn con thơ không ai chăm sóc, chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc thương cho số phận. Lúc đó tôi chợt nhớ đến lời người bác tôi nói một câu như thế này: "Con chó nó còn muốn sống để ăn, tại sao tụi mày lại muốn chết? Phải sống đó để nhìn đời. Thà chết trên chiến trường còn hơn chết trên đường người ta đi". Từ đó chúng tôi có lại niềm tin, tin rằng sẽ có một ngày mai tươi sáng, tươi sáng cho chính chúng tôi và tươi sáng cho đất nước này. Chân trời sáng đó đã đến.


Một hôm đang trên đường khất thực, chúng tôi được một người tốt bụng nói rằng ở hải ngoại có nhiều người giàu lòng nhân ái muốn giúp đỡ anh em phế binh đang sống khổ sở tại quê nhà. Hay được tin này, anh em chúng tôi vui mừng quá cỡ, mừng đến rơi nước mắt, thân thể run rẫy. Một trong những người đó là bác sĩ Phan Minh Hiển, với tấm lòng bao dung bác sĩ Hiển đã lao mình xuống hố sâu kéo anh em phế binh chúng tôi lên bờ danh dự.


Bác sĩ Hiển đã tặng cho anh em chúng tôi mỗi người tùy theo thương tật một cặp nạng hay một xe lăn, sau đó tùy hoàn cảnh của mỗi người tặng cho chúng tôi tiền. Ôi, còn gì sung sướng cho bằng, sung sướng không những cho anh em phế binh chúng tôi mà sung sướng cho cả gia đình. Chưa bao giờ chúng tôi được nghe lại những tiếng cười rộn rã của gia đình và vợ con đến như vậy. Trong giờ phút lâm nguy, nghĩa cử cao đẹp đó thật là quí.


Kế là các ký giả Nguyễn văn Huy (báo Ngày Nay và Việt Luận), Yên Mô - Cao Sơn (Thời Báo), Lê Quang Vinh (báo Phổ Thông), Gàn Bát Sách (báo Tiền Phong)... đã liên tục dóng lên những hồi chuông nhân ái, tiếng vang của những bài báo viết từ hải ngoại đã vọng về đến Việt Nam. Nhiều ân nhân và hội đoàn thiện nguyện khác đã tìm cách giúp đỡ anh em phế binh chúng tôi. Ông Lê Đình Vọng, chủ tịch hội Huynh Đệ Chi Binh tại Hoa Kỳ, đã hết lòng cứu giúp anh em phế binh.


Nhờ quí ân nhân giàu lòng nhân ái ở hải ngoại cho chút ít tiền, nhiều người trong chúng tôi đã tìm lại nhân phẩm, không phải ăn xin ở khắp nẽo đường. Những món tiền tuy nhỏ nhưng đượm biết bao tình, lòng chúng tôi được sưởi ấm trở lại. Chúng tôi tin rằng bên cạnh sự ác độc vẫn có tình yêu, một thứ tình người chân thật, chỉ tiếc rằng ngày nay trở nên hiếm thấy.


Anh em chúng tôi thành thật cảm ơn, và không biết nói gì hơn là cầu nguyện Thượng Đế ban phước lành cho quí vị ân nhân phương xa vạn dậm được an lành và thành công trên mọi lãnh vực. Chúc quí ân nhân dồi dào sức khỏe và gia đình hạnh phúc. Nhờ số tiền do quí ân nhân ở hải ngoại giúp đỡ, anh em chúng tôi làm vốn mua nhang đi bán dạo trên khắp nẻo đường Việt Nam, từ Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh, Tây Ninh, Sài Gòn xuống đến Long An, Bến Lức, Mỹ Tho, Bắc Mỹ Thuận, Rạch Giá, Bạc Liêu rồi về tận cùng mũi Cà Mau. Không làng xã, chợ búa ở thôn quê nào chúng tôi không đi qua. Nơi đâu chúng tôi cũng chỉ thấy cảnh người nghèo bị bạc đãi, đất nước điêu tàn và lòng người oán hận.


Những lúc từ thành phố (Sài Gòn) về các địa phương, anh em chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh thương tâm: những người bạn phế binh ở những cầu phà, bến xe, chợ búa, tay cầm gậy tay cầm cây đàn dắt nhau vừa xin vừa hát lại những bản nhạc xưa nghe thật nảo lòng. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau nỗi bất hạnh và cùng ngậm ngùi cho cảnh ngộ không may.


Có lần tôi nghe một người anh em hát lên bản nhạc mà tôi nhớ không lầm là bản "Anh đi chiến dịch", trong có đoạn như vầy: "Anh đi chiến dịch xa vời, nòng súng nhân đạo cứu người lầm than". Một bản nữa mang tên "Cho người vào cuộc chiến", anh bạn đó hát: "Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh theo tiếng gọi lên đường, anh đi vì đất nước khổ đau, anh đi anh quên thân mình, dù anh trở về trên đôi nạng gỗ, dù anh trở về bằng chiếc xe lăn". Rồi nào là "Năm cụm núi quê hương", trong đó câu: "Chiều nay có người thương binh không về với bàn tay năm ngón, nhưng về với vạn chiến công, anh mất đi bàn tay".


Anh em hát trong nghẹn ngào để được bà con cô bác bố thí ít tiền mua cơm. Mỗi lần nghe là mỗi lần buồn tủi. Nòng súng nhân đạo của chúng tôi đã mòn, cò súng nhân đạo chúng tôi đã sét, chúng tôi không cứu được chính chúng tôi thì làm sao cứu được những người lầm than. Anh em chúng tôi chỉ biết đến với nhau chia sẻ nỗi đau trong nước mắt.


Một hôm đến Bắc Mỹ Thuận, tôi gặp một phế binh cầm chiếc đàn ghi ta cũ nát ngâm bài thơ, nghe thật não lòng. Tôi hỏi xin bài thơ này, anh nói: "Thơ của Khất Vương mà người anh em xin làm gì". Tôi không hiểu, hỏi lại anh: "Khất Vương là gì?". Anh tươi cười trả lời: "Là vua đó, nhưng là vua ăn mày", rồi đưa tay vào bị lôi ra một tờ giấy đưa tôi và nói: "Cho anh bài thơ này đó, về ngâm chơi cho đời bớt khổ".


Xin gởi tặng lại quí ân nhân bài Mùa xuân chết của Khất Vương để làm chút quà tri ơn:


Mùa xuân chết


Hai mươi hai năm khắp nẻo non sông


Tôi là sương gió long đong bể đời


Trăng xuân đưa cảnh tuyệt vời


Gió xuân mang mác vọng lời âm ba


Hai mươi hai năm không cửa không nhà


Bạt màu áo trận nhạt nhòa xác xơ


Ngồi buồn đưa cảnh vào thơ


Gối đầu hiện tại tôi mơ thanh bình


Hai mươi hai năm từ cõi u minh


Nhớ gì tôi viết vào linh cảm này


Hai mươi hai năm dài biết bao nhiêu


Mộng mơ phủ kín sông dài núi cao



Khất Vương




Cuộc chiến đã tàn, anh em phế binh chúng tôi sống trong một xã hội đầy bất công và đen tối, nó kéo dài hơn hai mươi bốn năm nay và nó chỉ mang lại cho anh em chúng tôi nói riêng và cho nhân dân nói chung cuộc sống bầm dập, đầy đói rách và đau khổ. Anh em phế binh chúng tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng. Chúng tôi cầu mong cộng đồng người Việt hải ngoại sớm mang lại bầu trời tươi sáng đó cho Việt Nam, trong đó sẽ không còn ai thấy cảnh bất công đau khổ trong quảng đời tàn phế còn lại của anh em chúng tôi.


Mong rằng quí ân nhân cùng các chiến hữu thân thương nơi hải ngoại nghe và hiểu những lời tâm sự này mà những người bạn phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã và đang gánh chịu cảnh sống ngục tù trong tủi nhục và nước mắt.


* * *


Một hôm trên đường khất thực, anh em chúng tôi đi ngang qua Nghĩa Trang Quân Đội cũ ở Thủ Đức. Khi nhìn vào thì thấy một cảnh tượng rất đau lòng, những ngôi mộ của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đều bị mục nát, rêu phong phủ kín vì thiếu người chăm sóc. Những chiến sĩ này đã nằm xuống, đã hiến dâng cuộc đời mình cho tổ quốc Việt Nam thân yêu, thế mà cũng không được nằm yên. Những người cộng sản đã đập phá mồ mả các anh, dày vò xương cốt các anh.


Tại nhiều nơi khác, chính quyền cộng sản sang bằng các nghĩa trang để xây nhà cửa, nhà văn hóa hay vườn trẻ. Trong những nghĩa trang quân đội ở các tỉnh nhỏ, phần lớn các bia mộ đều bị đập phá, có ngôi bị cỏ đất lấp vùi bia tự không còn đọc được nữa như những mộ hoang. Các anh đúng là "bạc màu áo trận", hương tàn khói lạnh, nhưng vẫn còn chút an ủi. Nhờ có một số anh em phế binh lớn tuổi ở gần các nghĩa trang hoang vu cô quạnh đó ráng chống nạng gỗ vào nhổ cỏ, dựng lại mộ bia, đắp đất, quét lại vôi... rồi đốt cho các anh vài nén hương xin lỗi thay cho những con người tàn ác và cầu chúc các anh được ấm lòng nơi chín suối.


Cảm nhận sự an ủi đó, anh em chúng tôi cũng lần vào hỏi thăm, bà con cô bác gần đó cho biết có vài anh em phế binh chế độ cũ đã có lòng từ tâm, thỉnh thoảng lén vào nghĩa trang sửa sang mồ mả những đồng đội cũ đã nằm xuống, tránh những con mắt cú vọ của những đại diện chế độ. Chúng tôi đã gặp lại nhau, hàn huyên trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm lo mộ phần những chiến sĩ vô danh. Mỗi khi thực hiện xong những việc làm nhỏ nhặt này chúng tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào vì chính nhờ họ mà tổ quốc Việt Nam đã tồn tại ít ra cho đến ngày 30-4-1975.


Mỗi đêm anh em chúng tôi thường nhìn một góc trời xa xôi tự hỏi thiên đàng có thật không mà sao số phận chúng tôi đau thương đến như vậy. Chúng tôi đang sống trong một cơn ác mộng, trong sự nhẫn nhục triền miên. Chúng tôi phải đối phó hàng ngày với một bầy sư tử chỉ chực chờ vồ nuốt mạng sống chúng tôi. Mong rằng sẽ có một ngày anh em chúng tôi cũng như những anh em phế binh may mắn khác được cộng đồng người Việt trong và ngoài nước chiếu cố tới. Đó là những điều mà chúng tôi ước ao: "Mong rằng ai kia ở nơi xa xôi nghe và hiểu được nỗi lòng của anh em chúng tôi", được như thế anh em chúng tôi vô cùng cảm kích.


Biết rằng ước mơ đó đối với anh em chúng tôi rất là mong manh, nhưng chúng ai cũng hy vọng. Hy vọng rồi sẽ có một ngày chúng tôi có được cuộc sống như mọi người bình thường khác, không phải ăn xin ăn chực nơi cuối đầu đường góc chợ, con cái được đi học hay đi bán vé số mà không phải đi theo cha ăn xin hay lượm bao ny-lông, giấy vụn. Đến đây anh em chúng tôi đã trình bày hết tâm tư đau buồn và nguyện vọng của những người tàn phế, mong được trời xanh thấu cho mà đối với chúng quí vị ân nhân tại hải ngoại là bầu trời xanh.


Anh em chúng tôi viết ít, ngắn gọn xin quí vị ân nhân hiểu nhiều. Anh em phế binh chúng tôi trước đây chỉ là những chiến sĩ giữ gìn đất nước chớ không biết cầm bút viết văn. Kính xin quí độc giả và ân nhân đọc xong nếu có điều gì sơ sót kính xin được thông cảm mà bỏ qua cho. Đó là những lời nói chân thành xuất phát từ đáy lòng và con tim của anh em phế binh chúng tôi đang sống tại quê nhà. Đối với những anh em thương phế binh như chúng tôi không có gì quí hơn tự do và nhân quyền, sống mà không có tự do và nhân quyền như thể xác mất đi hơi thở.


Sau đây xin kính tặng quí vị độc giả bài thơ do tôi đột ngẫu sáng tác:


Người sống từ vực thẳm


Nhìn trời nước mắt tuôn rơi,


Nào ai thấu hiểu cuộc đời phế binh.


Đêm đêm ngủ bụi ngủ bờ,


Áo không đủ mặc, cơm thời chẳng no.


Cơm chang nước mắt nhạt nhòa,


Dù đời tàn phế nhưng tôi không tàn.


Tôi đây chịu cảnh lầm than,


Cuộc đời là thế ai buồn như tôi.


Mong sao đất nước yên bình,


Không nghe hành khất bên đường van xin,


Không còn thấy cảnh tan thương,


Anh em đoàn tụ huy hoàng vui xuân.



Viết lại theo lời kể của Độc Cước,


một phế binh ở Sài Gòn

No comments: